Cách Tắm Cho Mèo Sợ Nước Đơn Giản Ngay Tại Nhà
Mèo là loài động vật rất sạch sẽ, chúng luôn dành thời gian để liếm láp làm sạch cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi, việc tắm rửa là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và vẻ ngoài sạch đẹp của chúng.
Vậy, làm thế nào để biến việc tắm táp thành trải nghiệm dễ chịu cho cả bạn và "boss"? Khi nào là thời điểm thích hợp để tắm? Cách tắm cho mèo ra sao? Bao lâu thì nên tắm một lần? Hãy cùng Pi Sà Pet tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.
Vì sao nên tắm cho mèo?
Mặc dù mèo có thói quen tự làm sạch bằng cách liếm lông, nhưng việc tắm cho mèo vẫn mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Một số trường hợp bạn nên tắm cho mèo:
-
Mèo bị bẩn do nghịch đất, bùn, dầu mỡ hoặc hóa chất độc hại.
-
Mèo bị bọ chét, ve rận, hoặc mắc các bệnh về da.
-
Mèo bị bệnh, không thể tự liếm lông như bình thường.
-
Mèo có bộ lông dài, dễ bết dính và bám bẩn nhiều.
-
Mèo già hoặc béo phì, gặp khó khăn trong việc tự làm sạch.
-
Mèo sống trong môi trường có nhiều bụi bẩn, ô nhiễm hoặc tiếp xúc với động vật khác.
Mặc dù tắm cho mèo là cần thiết trong một số trường hợp, nhưng không nên tắm quá thường xuyên. Việc tắm liên tục có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da mèo, khiến da bị khô và dễ kích ứng. Nếu mèo không quá bẩn, bạn có thể sử dụng phương pháp tắm khô hoặc lau bằng khăn ẩm để thay thế.
Bao lâu nên tắm cho mèo một lần?
Việc tắm cho mèo cần có tần suất hợp lý để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bộ lông của bé. Trừ những trường hợp bắt buộc phải tắm gấp cho mèo, còn lại, tùy theo giống mèo và điều kiện sống mà bạn có thể điều chỉnh tần suất cho phù hợp.

-
Mèo lông ngắn: Khoảng 1 - 2 tháng tắm một lần.
-
Mèo lông dài: Tắm 1 lần mỗi tháng để giữ lông không bị bết.
-
Mèo con dưới 2 tháng tuổi: Không nên tắm bằng nước, chỉ lau bằng khăn ấm.
-
Mèo bị bọ chét, nấm da: Cần tắm theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.
-
Mèo hoạt động ngoài trời thường xuyên: Nên tắm 3-4 tuần một lần.
-
Mèo bị dị ứng hoặc có vấn đề về da: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi quyết định tắm cho mèo.
Nếu mèo của bạn chỉ sống trong nhà, ít tiếp xúc với bụi bẩn, bạn có thể kéo dài thời gian giữa các lần tắm.
Cách tắm cho mèo
Tắm cho mèo không đúng cách có thể gây sợ hãi hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện các bước tắm một cách nhẹ nhàng để giúp mèo cảm thấy thoải mái hơn.
Chuẩn bị trước khi tắm cho mèo
Trước khi tắm, bạn cần chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ sau:
-
Sữa tắm chuyên dụng: Bạn không nên dùng sữa tắm, dầu gội của người vì độ pH không phù hợp với da mèo.
-
Nước ấm: Nhiệt độ khoảng 35-38°C, tránh quá nóng hoặc quá lạnh khiến mèo khó chịu.
-
Khăn bông mềm: Dùng để lau khô mèo sau khi tắm.

-
Lược chải lông: Giúp loại bỏ lông rụng trước khi tắm để tắm dễ dàng hơn.
-
Máy sấy tóc: Dùng để sấy khô mèo ngay sau khi tắm xong, tránh mèo bị cảm lạnh. Ngoài ra, nếu thường xuyên tắm cho mèo bạn có thể mua lồng sấy chuyên dụng, giúp mèo thấy thoải mái hơn vì mèo thường sợ tiếng ồn của máy sấy tóc.
-
Đồ ăn vặt hoặc súp thưởng: Bạn nên cho mèo ăn sau khi tắm và sấy khô lông, coi như là “phần thưởng” của mèo, đừng quên dành lời khen cho mèo để mèo hợp tác hơn trong những lần tắm sau nhé!
-
Găng tay chống cào: Nếu bé nhà bạn có những phản ứng mạnh như: la hét, gào, cào cắn để phản đối. Bạn nên đeo găng tay để bảo vệ bản thân, vết thương từ việc mèo cào, cắn rất lâu lành, có thể để lại sẹo hoặc mang virus dại. Trong lúc này, mèo cần được dỗ dành, hãy cứ bình tĩnh và trấn an bé, bạn đừng la mắng hay đánh bé nhé!
-
Túi lưới (nếu cần): Nếu mèo phản ứng quá mạnh, bạn có thể cố định cơ thể mèo bằng túi lưới, mèo sẽ không thể cào, cắn hay rũ nước với túi lưới, giữ an toàn cho bạn và bé yêu.
-
Bông gòn (nếu cần): Nếu đây là lần đầu bạn tắm cho mèo và sợ sẽ lỡ đổ nước vào tai mèo. Bạn có thể chuẩn bị bông gòn để nhét vào tai bé, tránh trường hợp mèo bị viêm tai.
Nếu mèo sợ nước, bạn có thể thay thế bằng bột tắm khô hoặc khăn ướt chuyên dụng để làm sạch lông mèo mà không cần tắm bằng nước. Tuy nhiên, tắm cho mèo bằng nước vẫn là phương pháp đảm bảo vệ sinh cho cơ thể bé.
Các bước tắm cho mèo
Để tắm cho mèo hiệu quả và giúp bé không sợ hãi, hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Chải lông trước khi tắm: Chải lông giúp gỡ rối, loại bỏ lông rụng và bụi bẩn. Đồng thời tăng hiệu quả của sữa tắm trên da và lông mèo nhằm làm sạch tốt hơn.

Bước 2: Làm ướt lông mèo: Nhẹ nhàng đổ nước ấm từ từ lên thân mèo, xoa đều để làm ướt lông, tránh dội thẳng lên đầu để mèo không bị hoảng sợ.
Bước 3: Thoa sữa tắm chuyên dụng: Hoà tan sữa tắm với nước, tạo bọt và massage nhẹ nhàng để làm sạch bụi bẩn và vi khuẩn trên lông. Bạn có thể lặp lại bước này hai lần nếu người mèo quá bẩn.
Bước 4: Xả sạch sữa tắm: Dùng nước ấm xả kỹ để đảm bảo không còn bọt sữa tắm trên da và lông.
Bước 5: Lau khô và sấy lông: Dùng khăn bông lau sơ rồi sấy lông ở nhiệt độ vừa phải.
Trong trường hợp mèo phản ứng quá mạnh với máy sấy, bạn hãy cố gắng lau khô lông nhất có thể để bé không bị cảm lạnh nha.
Bước 6: Dỗ dành và khen thưởng: Sau khi tắm xong, hãy thưởng đồ ăn ngon để mèo cảm thấy vui vẻ hơn, khuyến khích bé hợp tác trong những lần tắm tiếp theo.
Trong suốt quá trình tắm, bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng vỗ về và nói chuyện với mèo để bé không bị căng thẳng.
Cách tắm cho mèo sợ nước
Một số mèo rất sợ nước và có phản ứng chống đối khi tắm. Chúng thậm chí có thể cào, cắn, làm tổn thương chủ nếu quá hoảng sợ. Dưới đây là một số lời khuyên giúp việc tắm cho mèo trở nên dễ dàng và an toàn hơn:
-
Cho mèo làm quen với nước từ từ bằng cách dùng khăn ẩm để vuốt ve lông mèo hằng ngày. Ngoài ra, bạn có thể cho mèo chơi đùa với nước trong chậu nhỏ dưới sự giám sát của sen, bạn tăng dần độ tiếp xúc của mèo theo thứ tự từ chân lên lưng rồi đến đầu để mèo cảm thấy vui vẻ khi tắm nhé.
-
Tắm trong không gian yên tĩnh, tránh tiếng ồn lớn.
-
Khen thưởng sau khi tắm để mèo có trải nghiệm tích cực với việc tắm.

-
Không ép buộc mèo, nếu mèo quá căng thẳng, thay vào đó hãy thử lau sạch bằng khăn ướt.
-
Dùng khăn ấm quấn quanh người mèo để giúp bé cảm thấy an toàn hơn trước khi tiếp xúc với nước.
Một số lưu ý khi tắm cho mèo
Để đảm bảo an toàn cho mèo, bạn cần lưu ý:
-
Không tắm cho mèo bằng dầu gội, sữa tắm của người vì có thể gây kích ứng da mèo.
-
Tránh để nước vào tai mèo để hạn chế nguy cơ viêm tai.
-
Không tắm khi mèo đang bị ốm hoặc vừa tiêm vaccine.
-
Sau khi tắm, giữ mèo ở nơi ấm áp, tránh gió lùa.
-
Nếu mèo quá sợ nước, có thể sử dụng khăn ướt lau nhẹ nhàng.
-
Kiểm tra móng mèo trước khi tắm để tránh bị mèo cào do hoảng sợ.
Kết luận
Tắm cho mèo đúng cách không chỉ giúp mèo cưng của bạn luôn sạch sẽ mà còn là biện pháp bảo vệ sức khỏe toàn diện. Nếu mèo nhà bạn sợ nước, hãy kiên nhẫn tập cho bé làm quen từ từ để loại bỏ dần cảm giác hoảng sợ.
Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết trên, bạn đã biết cách tắm cho mèo tại nhà an toàn và hiệu quả. Nếu bạn có thêm những kinh nghiệm hoặc mẹo hay nào khác trong việc tắm cho mèo, đừng ngần ngại chia sẻ để cộng đồng những người yêu mèo có thêm những thông tin hữu ích nhé!